Nhức nhối vấn nạn hàng giả, hàng nhái
Ngày 30/6, Bộ Công thương tổ chức tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ”.
Chia sẻ Tại tọa đàm, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, từ giữa năm 2022, khi dịch Covid-19 có dấu hiệu lắng xuống, vấn nạn liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu sôi động trở lại, ngày càng phức tạp, tinh vi.
Với sự phát triển của công nghệ, các vụ việc vi phạm còn xuất hiện và phổ biến trên các kênh thương mại điện tử với tốc độ và quy mô ngày càng lớn khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý.
Ngoài việc ảnh trực tiếp tới nền kinh tế, quyền lợi của người tiêu dùng, vấn nạn này còn gây tác động tới giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
“Từ những hãng làm đồ ăn thức uống rất đơn giản hằng ngày như hãng Ajinomoto sản xuất bột ngọt, hãng Acecook của Nhật Bản sản xuất mì gói… đều đến làm việc với chúng tôi và phản ánh rằng trên thị trường ngày càng nhiều bột ngọt cũng như mì tôm làm giả, thậm chí làm giả từng gói gia vị trong gói mì. Cho đến những thương hiệu rất nổi tiếng của tập đoàn Procter & Gamble như mỹ phẩm, sữa tắm, xà phòng… cũng bị làm giả rất nhiều ở thị trường nội địa. Ngay cả đồ chơi trẻ em của Lego – Đan Mạch trong tháng vừa qua cũng đã làm việc với chúng tôi hai lần về việc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm Lego ở thị trường Việt Nam”, ông Trần Hữu Linh chia sẻ.
Đối với các thương hiệu sản phẩm của Việt Nam thì những mặt hàng từ đồ ăn, thức uống đều được sản xuất, làm giả, làm nhái ở trong thị trường nội địa. Qua đó có thể thấy rằng thương hiệu, nhãn hiệu được làm giả ngày càng tinh vi hơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng Cục QLTT đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan hàng giả và xử phạt gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, những vụ việc đó vẫn chưa minh họa hết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.
Ông Trần Hữu Linh bày tỏ: “Thương hiệu bị làm giả, làm nhái thì nguy hiểm nhất là làm xói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái giá rẻ. Đối với các doanh nghiệp FDI, việc để hàng giả quá nhiều khiến các nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”.
Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ thương hiệu
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, các văn bản pháp luật, chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của Việt Nam khá hoàn chỉnh, thậm chí còn có các khung hình phạt khá nặng so với các nước khác.
Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu thì cần chủ động, chứ không phải đợi cơ quan chức năng.
“Quan trọng nhất là thức tỉnh nhận thức, nâng cao nhận thức, bắt đầu từ việc doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu thì chính doanh nghiệp phải chủ động, không phải đợi cơ quan chức năng, còn người tiêu dùng muốn bảo vệ mình phải trông cậy vào các hiệp hội là những người đại diện cho mình, hoặc thông qua các luật sư, từ đó tạo thành một cơ chế hợp tác đa bên giữa tất cả các bên để giải quyết vấn nạn chung”, luật sư Nguyễn Tiến Lập nhận định.
Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Hiền, Đại diện Bộ phận pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất trực tiếp những sản phẩm gắn với sức khỏe của người tiêu dùng, cho biết, để phòng ngừa các hành vi vi phạm, công ty tích cực triển khai các hoạt động hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý, các nhà phân phối và người tiêu dùng.
Đối với thương hiệu sản phẩm của mình, URC luôn có những thông báo, phổ biến đặc điểm phân biệt rõ ràng về thông tin bảng thành phần cũng như các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích người tiêu dùng kiểm tra các logo, nhãn sản phẩm cũng như tem sản phẩm.
URC cũng chủ động phối hợp với cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Khi phát hiện các hàng hóa của công ty có dấu hiệu bị làm giả, làm nhái, công ty chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để xác định các hành vi này có đúng là vi phạm sở hữu trí tuệ hay không và từ đó đưa ra các phương hướng xử lý thích hợp.
“URC hiểu rằng việc quản lý của các cơ quan nhà nước rất là quan trọng trong việc phòng, chống hàng nhái, hàng giả. Do đó chúng tôi đề xuất cần có giải pháp đẩy nhanh quá trình xử lý vi phạm, đồng thời nâng cao mức phạt đối với chủ thể vi phạm, đối với các vi phạm về xâm phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là những hành vi vi phạm nhiều lần để tăng tính răn đe cho người thực hiện hành vi vi phạm đó” – bà Bùi Thị Thu Hiền chia sẻ.